[b]VĂN HỌC KIẾM HIỆP VIỆT - Có “cầu” nhưng thiếu “cung”[/b]


(Trao đổi thêm với nhà phê bình Đoàn Minh Tâm)


[b]Tác giả: HOÀNG TÙNG[/b]





[b](VĂN NGHỆ TRẺ) - Bài viết “Truyện ngắn lịch sử - dòng chảy ngầm trong văn trẻ hiện nay” của tác giả Đoàn Minh Tâm là một trong những bài phê bình khiến tôi có nhiều tâm đắc, đặc biệt là đoạn tác giả bình về văn học kiếm hiệp - lịch sử. [/b]


[b]Là một người say mê văn học kiếm hiệp (VHKH) cả ở góc người đọc và sáng tác, tôi muốn trao đổi một số vấn đề về VHKH Việt Nam nhằm khơi gợi ra một số ý tưởng về khả năng phát triển VHKH Việt.[/b]





[b]1.VHKH – Tà ma ngoại đạo?[/b]





VHKH từ lâu vốn luôn nằm trong một trạng thái bị coi thường. Nếu như văn học khai thác đề tài lịch sử luôn được trân trọng thì VHKH (dù có đến 70% cốt truyện đều lấy từ lịch sử) nhưng hầu như đều bị coi là dòng “văn học ba xu”. Thậm chí trong một thời gian khá dài, VHKH không được khuyến khích, thậm chí còn bị cấm đoán. Nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp thì đó chỉ là một dạng “ma giáo” nằm ở hạng “tà ma ngoại đạo” chứ không thể nào sánh ngang cùng với cả những dòng văn học chính danh khác.





Phải chăng đó là lý do mà hiếm có nhà phê bình văn học nào lại thể hiện sự yêu thích của mình đối với dòng văn học bình dân này? Thế nên tôi khá ngạc nhiên khi thấy tác giả Đoàn Minh Tâm với tư cách là một nhà phê bình văn học lại thừa nhận sự yêu thích của mình dành cho VHKH mà không ngại bị những nhà phê bình “bác học” khác nhìn mình bằng con mắt khác.





Trở lại với VHKH Việt, trên một phương diện nào đó, VHKH tại Việt Nam trải qua một quá trình phát triển rất gập ghềnh. Mặc dù ảnh hưởng của VHKH đến đến đời sống tinh thần của người Việt là không hề nhỏ bé. Hãy xem thử vài từ ngữ Việt chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ kiếm hiệp: tẩu hỏa nhập ma, chưởng, rửa tay gác kiếm, ma giáo v.v… Tuy dòng VNKH có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa Việt nhưng những tác phẩm VHKH Việt đương đại vẫn vắng bóng. Người yêu thích truyện kiếm hiệp Việt Nam tương đối có tuổi vẫn đọc đi đọc lại những Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An. Những bạn trẻ thì trao đổi nhiệt tình trên mạng những tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng mới như Tru Tiên (Tiêu Đĩnh), Thất Dạ Tuyết (Thương Nguyệt), Tu La Đạo (Bộ Yên Phi) v.v…





Điều đáng nói, trên hơn 20 forum chuyên về kiếm hiệp, nổi tiếng nhất như Tàng thư viện, Kiếp hiệp cốc, Nhạn môn quan, Lương Sơn Bạc v.v… với hơn một trăm ngàn ngàn thành viên, không thiếu những topic sôi nổi nói về truyện kiếm hiệp Việt Nam. Nhìn sâu một chút, ta có thể dễ dàng thấy được sự ca thán, sự thất vọng về việc: Tại sao chúng ta lại thiếu vắng những tác phẩm VHKH Việt đương đại? Đây là một câu hỏi mà những tác giả, những nhà phê bình cần phải quan tâm!





Để tạm đánh giá, tôi xin chủ quan đưa ra một số nhân định sau về việc thiếu vắng những tác phẩm VHKH Việt đương đại: Thứ nhất, VHKH ở Việt Nam bị cho là dạng văn học hạng hai, căn bản là rẻ tiền và thiếu tính nghệ thuật. Điều này khiến những bạn trẻ yêu thích văn học sẽ không ưu tiên chọn viết VHKH. Thứ hai, một số người viết ra những tác phẩm VHKH thì kiếm được nơi công bố tác phẩm lên điều khá khó khăn. Bản thân tôi là người từng sáng tác một số tác phẩm văn học kiếm hiệp – lịch sử nhưng khi đưa truyện cho BTV thì cũng nhận được góp ý là cần phải giảm bớt phần kiếm hiệp mà phải nhấn mạnh đến phần lịch sử. Không nhiều tác giả chấp nhận chỉnh sửa tác phẩm của mình như vậy. Và chỉ sau một đôi lần thử sức mà không thành công thì họ sẽ không theo đuổi VHKH làm gì. Thứ ba: trong một thời gian dài, do những điều kiện về lịch sử và những yếu tố ngoài văn học, VHKH không được lưu truyền rộng rãi, thậm chí còn bị cấm đoán. Đến nay, tuy cái nhìn với VHKH đã thoáng hơn nhiều nhưng không ít người vẫn coi VHKH là vùng nhạy cảm, nên tránh là hơn.





[b]2.Tín hiệu từ VHKH quốc tế[/b]





Những chỉ cần nhìn rộng hơn một chút, ta có thể lập tức thấy được tiềm năng của VHKH. Những phản ứng từ thị trường quốc tế về VHKH rất đáng để văn học trong nước tham khảo.





VHKH đã có những chuyển biến mạnh mẽ gây ra nhiều chấn ng trong giới nghệ thuật gần đây. Tháng 2 năm 2006, trong một cuộc bình chọn những nhà văn Trung Quốc được yêu thích nhất thế kỷ 20, Kim Dung (tác giả được trân trọng xếp ở vị trí thứ 4, sánh ngang cùng với những tên tuổi lừng danh khác như Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá v.v… Kim Dung cũng là một trong những nhà văn Trung Quốc được dư luận quốc tế công nhận với huân chương Bắc đẩu bội tinh, trở thành Giáo sư danh dự của trường Đại học British Columbia, Tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge. Tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa, được giảng dạy ở bậc đại học. Bộ môn nghiên cứu Kim học - Jinology thu hút được nhiều người tham gia trong đó có những học giả nổi tiếng Trần Mặc, Nghê Khuông v.v… Những tác phẩm nghiên cứu về Kim Dung đã được tập hợp lại thành một bộ lưu trữ sộ mang tên Kim học nghiên cứu tùng thư. Tác phẩm của ông cũng đã được đưa vào giảng dạy tại trường học.





Một sự kiện nghệ thuật lớn của thế giới cách đây vài ngày cũng liên quan đến VHKH. Có là việc tác phẩm điện ảnh Ngọa Hổ Tàng Long được tạp chí danh tiếng Times đưa vào danh sách “10 kiệt tác điện ảnh hay nhất thế giới của thập kỷ đầu thế kỷ 21”. Ngọa Hổ Tàng Long chính là tác phẩm dựa trên bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng cùng tên của tác giả Vương Độ Lư.





Những thừa nhận mang tầm quốc tế của những tổ chức nghệ thuật – nghiên cứu lớn nhất trên thế giới đối với VHKH đáng để cho những nhà phê bình “bác học” nhất cũng phải lưu ý về giá trị của VHKH. Đã đến lúc nhận thức về việc VHKH là dòng văn học hạng hai cần phải được nhìn nhận lại. Điều quan trọng hơn, với làn sóng và số lượng người yêu thích truyện kiếm hiệp rất lớn, ta làm thế nào để sử dụng VHKH như một phương tiện truyền bá văn hóa lịch sử Việt Nam sao cho hữu ích!





[b]3.Lối đi nào cho VHKH Việt?[/b]





VHKH ở Việt Nam có một thị trường bạn đọc lớn. Thể hiện rõ nhất là những tác phẩm bình luận VHKH như Kim Dung giữa đời tôi (Vũ Đức Sao Biển) hay Lai rai chén rượu giang hồ (Huỳnh Ngọc Chiến) đã được tái bản nhiều lần với số lượng xuất bản rất khả quan. Khi mạng thông tin Internet được mở rộng, khá nhiều trang web chuyên về đề tài võ hiệp đã được thành lập. Điều đáng nói, những người điều hành – admin, hay những người quản trị - moderator của những trang web này phần lớn đều là thế hệ 7x trở lại. Trong số những trang web nổi tiếng về VHKH nước ta phải kể đến Tàng Kinh Cốc, Tàng Thư Viện, Nhạn Môn Quan, Lương Sơn Bạc, Việt Kiếm v.v… với số lượng thành viên đăng ký lên tới hàng trăm ngàn người. Không thể phủ nhận nhu cầu đọc truyện kiếm hiệp của rất nhiều c giả hiện nay.





Trước thực trạng những bạn trẻ không biết nhiều về lịch sử, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại phương thức đưa lịch sử đến cho các bạn trẻ đã phù hợp hay chưa? Liệu rằng nó có khô cứng quá hay không?





Không thể đổ toàn bộ lý do của sự thiếu hụt kiến thức lịch sử cho việc giới trẻ không thích lịch sử! Không có lý do gì những con người có thể làu thông những điển tích của Trung Quốc, có thể kể ra chi tiết những nhân vật kiếm hiệp lịch sử như Tiêu Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá… lại không yêu thích lịch sử. Tôi nghĩ, nếu như chúng ta có thể xây dựng được những mẫu hình nhân vật lịch sử kiếm hiệp Việt Nam, tôi nghĩ chắc chắn đó sẽ là cơ hội lớn để các bạn trẻ yêu thích lịch sử hơn, yêu thích văn chương hơn, có tinh thần tự cường dân tộc hơn.





Những điều đó có thể thực hiện được qua những tác phẩm văn học kiếm hiệp - lịch sử. Đó là con đường đã có “cầu” nhưng chưa có “cung”.





Tại sao có “cầu” nhưng chưa có “cung”? Tôi nghĩ có hai lý do. Thứ nhất, các NXB, các nhà sách còn khá dè dặt trong việc giới thiệu những tác phẩm VHKH mới vì tư duy cho rằng đây là dòng văn học hạng hai, ít người đọc. Thứ hai, do việc viết kiếm hiệp lịch sử thường có sự lật lại, đánh giá lại những hình tượng lịch sử, điều này có thể khiến nhiều người cho rằng đó là vấn đề “nhạy cảm”, tốt nhất là nên tránh đi cho khỏi phiền hà. Thứ ba, những tác phẩm VHKH Việt còn kém chất lượng so với những danh tác VHKH của những cây đại thụ như Kim Dung, Cổ Long.





Hai vấn đề đầu tiên thuộc về nhận thức của từng cá nhân/tổ chức, không có nhiều điều đáng nói. Riêng ở vế thứ ba, tôi nghĩ rằng thời đại mới cần phải có những hơi thở mới. Liệu những tác giả 7x - 8x chuyên viết kiếm hiệp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc có thể sánh vai cùng Kim Dung hay Cổ Long? Đương nhiên là chưa thể. Tuy nhiên, người đọc cũng không thể nào nhai đi nhai lại mãi những tác phẩm của các bậc tiền bối cho dù đó là những kiệt tác của VHKH.





Đó là lý do những tác phẩm VHKH mới của Trung Quốc vẫn được bạn đọc của ở Trung Quốc và Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Có thể kể đến tác phẩm Tru Tiên (của tác giả Tiêu Đĩnh) đã trở thành một hiện tượng lớn nhất của ngành xuất bản Trung Quốc, được xưng tụng là “đệ nhất kỳ thư thời đại Internet” với hàng triệu người truy cập và háo hức đón đọc và mức tiền bản quyền xuất bản kỷ lục. Sức hút của VHKH cũng khiến nhiều nhà văn trẻ tại Trung Quốc chọn con đường này để lập danh. Trong số đó, không thể không kể đến nhóm “Tân Thần Châu Ngũ hiệp” bao gồm Tiêu Đỉnh, Phượng Ca, Bộ Phi Yên, Tiểu Đoạn và Thương Nguyệt. Họ đều là những nhà văn triệu phú với tiền bản quyền cao ngất ngưởng.





[b]4.Vỹ thanh[/b]





Tôi chia sẻ những nhận định của tác giả Đoàn Minh Tâm với suy nghĩ: tiểu thuyết lịch sử - kiếm hiệp là một hướng đi khả thể trong việc thu hút bạn đọc tìm đến với văn chương chữ nghĩa.





Ở nước ta, con đường của VHKH còn nhiều gập ghềnh do nó còn vấp phải nhiều quan niệm khắt khe. Tuy nhiên, bởi nhìn thấy sức mạnh tiềm tàng của VHKH trong việc khơi gợi tinh thần yêu nước qua những câu truyện lịch sử, tôi đã sáng tác những tác phẩm kiếm hiệp - lịch sử Việt. Tôi tin rằng nếu ta đưa được lịch sử gắn kết cùng kiếm hiệp, gắn kết những hình tượng kiếm hiệp cùng với những nhân vật lịch sử, chắc chắn đó sẽ là một công cụ quyền lực có thể đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn tới bạn đọc.