Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 tại Bảo tàng Hà Nội. Nơi quy tụ những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của điêu khắc Việt Nam trong 10 năm qua (2003-2013).
Với 286 tác phẩm của 230 tác giả được lựa chọn trong tổng số 675 tác phẩm của 352 tác giả tham dự được trưng bày. Các tác phẩm đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm; thể hiện sự phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách như hiện thực, trừu tượng…; sự đa dạng về chất liệu với nhiều tìm tòi, thể nghiệm, kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt.
Đặc biệt, thế hệ điêu khắc trẻ đã gây bất ngờ bởi những tác phẩm đầy sáng tạo nhưng vẫn kết hợp nhuần nhuyễn được tính truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa như tác phẩm: “Chuyện quê” của Kù Cao Khải, “Rước vợ bằng xe công nông” của Phạm Thái Bình, “Bình yên trên đảo” của Trần Việt Hà, “Cội nguồn” của Nguyễn Văn Chước...
Ngoài những tác phẩm trưng bày tại triển lãm, 10 năm qua nhiều công trình, tác phẩm điêu khắc ngoài trời đã được xây dựng, tạo nên môi trường thẩm mỹ, góp phần tích cực làm đẹp môi trường sống cho người dân.
Nhiều tác phẩm phản ánh về đời sống đô thị hiện đại như: tác phẩm “Lớp vỏ” của Trần Văn An, “Tuyến xe số” của Hoàng Văn Thắng, “Góc phố” của Đỗ Thế Thịnh, “Đôi mắt” của Nguyễn Văn Huy. Tác phẩm điêu khắc - sắp đặt “Những con chim” của Thái Nhật Minh với chất liệu tre, gỗ mô tả những con chim xinh xắn dễ thương trong ô cửa chật hẹp, thể hiện khát vọng vượt thoát, bay bổng, giấc mơ tự do và hòa bình, cũng chính là tâm lý lớp trẻ hôm nay.


Tác phẩm "Lễ hội trọi trâu" của Trần Mai Hữu Quý

Tác giả sáng tạo trong việc tạo ra một vòng tròn lễ hội chọi trâu với hình ảnh trung tâm là đôi trâu đang căng sức chọi nhau, xung quanh nó là quang cảnh lễ hội được diễn tả khá chi tiết, nhiều nhân vật, đa dạng dáng vẻ, mỗi người một việc như cầm cờ, mang phướn, gõ trống, reo hò cổ vũ. Vòng tròn lễ hội gợi cảm giác về sự vui vẻ, đầm ấm, quần tụ.

Trong bối cảnh một thời gian dài bị thu hẹp đề tài sáng tác, phục vụ tuyên truyền giáo dục, điêu khắc Việt Nam chỉ đạt nghệ thuật trung bình, thiếu vắng những nhà điêu khắc tầm cỡ. Để mở đường cho điêu khắc tham gia "chữa bệnh" cho kiến trúc đô thị, rất cần một quan điểm chuẩn bị lâu dài, từ cởi mở trong đào tạo, hợp tác quốc tế.