Tôi có dịp vào Sài Gòn, bạn bè dẫn đi ăn là cứ tập vô quán rộng rãi, trông rất sang trọng. Ban đầu tôi rất ngại ngần vì sợ đắt và theo thói quen của người miền Bắc quán đẹp tức không ngon. Rồi thì bạn mời nhiệt tình quá nên cứ thử liều đưa chân.
Điểm lại vài hàng quán nổi tiếng đất Hà thành, xem ra hầu như chẳng có quán nào mà ăn ngon lại sung sướng cả… Ngay cả có được bêu xấu nhan nhản khắp các báo, những hàng quán này của Hà Nội gần như không thay đổi. Phở thì vẫn cứ nườm nượp xếp hàng, ốc thì vẫn bị lườm cháy mặt khi xin thêm nước chấm.
Hay kem Tràng Tiền dù đã tách bộ phận bán kem ốc quê ra một góc riêng và mở thêm nhiều chỗ bán nhưng nếu khách không chuẩn bị sẵn tiền lẻ thì nhận được ngay bộ mặt cáu kỉnh, tiếng lầm bầm của nhân viên bán kem.



Đến khi bạn đưa menu gọi món, nhìn giá mà tôi choáng váng vì… rẻ quá. Rồi thì cách phục vụ cũng rất chi là… sung sướng. Không như ở Hà Nội, muốn ăn được miếng ngon, điểm qua điểm lại, đúng là có khổ! Nhưng thôi, ở đâu âu đấy, mình quen rồi, khổ tí khéo lại thành phong cách, thành điểm nhấn để nhớ lâu chăng?

Bạn tôi hỏi rằng tại sau nhiều hàng quán Hà Nội coi thường khách đến thế mà vẫn cứ tồn tại, thậm chí còn đắt khách. Câu trả lời thì có nhiều lý do. Nhưng có lẽ cảm nhận bản thân tôi thì vì những hàng quán đó là c đáo, đồ ăn ngon, mình đến một lần vì tò mò, lần thứ 2 đến vì đồ ngon, lần thứ 3 đến vì thói quen, lần thứ “n” đến vì nghĩ: “khổ một tí nhưng quen rồi, đồ ăn cũng ngon mà, ở đâu tại cái đất này cũng thế cả thôi”.

Theo kinh nghiệm của tôi thì có nhiều cách đi ăn ở những hàng quán khó tính mà vẫn cảm thấy dễ chịu:

Ăn ốc "lắm mồm" ở phố Hồ Đắc Di

Quán ốc này nằm ngay đầu đường Hồ Đắc Di, bạn đi tới gần đèn xanh, đèn đỏ, nhìn thấy cây xăng Nam Đồng thì rẽ phải là tới quán. Điểm chung cho các quán ăn vặt ngon ở Hà Nội là quán rất bé, trông lụp xụp. Buổi sáng quán không bán hàng ăn sẵn mà nhường chỗ cho quán bún riêu, rồi bán các loại hải sản tươi sống.

Bắt đầu khoảng 3 giờ chiều, quán mở cửa. Các món ăn ở đây kể ra thì không có gì đặc biệt: ốc nhỏ luộc, ốc mịt luộc, trứng chim cút lộn luộc, ngao hấp.Rượu nếp,bia heineken… Các món ăn kèm có xoài dầm, sung muối, củ đậu sống… Chỉ đơn giản vậy mà quán cứ nườm nượp khách.




Quán ốc nổi tiếng "lắm mồm" này nằm ngay đầu đường Hồ Đắc Di - Ảnh: ĐCHN



Riêng tôi tới quán vì được rủ rê và vì thấy nước chấm khá ngon. Nhưng mà nước chấm ít, muốn xin thêm thì bạn chớ nói trống không kiểu cho xin bát nước chấm nhé. Vì toàn bộ số nước chấm nằm trong tay bà chủ mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. “Chấm gì mà chấm lắm thế, tự ra mà lấy”; “hết nước chấm rồi, ăn không tạm đi để đây pha thêm”… là những câu nói thường trực của bà chủ.

Điểm khó chịu nữa là ghế ngồi ở đây rất bé, bàn ăn thì thấp, thế nên khách vào mà mang theo túi xách, đồ đạc lỉnh kỉnh là cũng… bị lườm và nói bóng gió: “Ăn được bát ốc mà mang cả nhà vào quán người ta...".

Thôi thì quán ngon khó bỏ, rút kinh nghiệm những lần vào quán sau đó, tôi đều để đồ đạc ở trong cốp xe. Bạn yên tâm vì quán có người trông xe. Chọn một chỗ ngồi gần bà chủ quán để có muốn thêm nước chấm thì cứ tự tiện lấy. Thi thoảng khen bà một đôi câu là bà chủ lại vui vẻ ngay.

Ăn kem Tràng Tiền nhớ mang theo tiền lẻ

Mặc dù hãng kem này giờ có nhiều đại lý nhưng tới đúng đại bảng doanh ở phố Tràng Tiền ăn vẫn là sở thích riêng của nhiều người. Tôi cũng thế! Đi ăn được que kem đúng là “chạy ba quãng đồng” nên lần nào tôi cũng cố ăn thật nhiều tới lạnh toát cả bụng.




Kinh nghiệm đi mua kem Tràng Tiền là phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ



Kinh nghiệm để nhanh chóng mua kem ở đây là phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Càng lẻ kiểu 1.000 đồng, 2.000 đồng càng tốt. Khi mua thì bạn xòe ra và đọc to số lượng kem lên. Vậy là thế nào bạn cũng nhận được nụ cười trìu mến của cô nhân viên bán hàng.

Còn nếu bạn thích đưa tiền chẵn, mệnh giá to, để cô nhân viên phải vất vả tính tiền trả lại thì bạn sẽ nhận được vài lời lầu bầu, khuyến mãi thêm cái nhìn xéo có khi… chảy cả que kem mới ra lò!

Phở gia truyền “chạy đường vòng”

Phở gia truyền số 49 Bát Đàn chẳng còn xa lạ gì với mọi người. Cảnh xếp hàng dài dằng dặc hầu như ngày nào cũng xuất hiện ở quán. Ấy nhưng đó là vào các giờ đông khách.




Cảnh tượng xếp hàng thường thấy trước cửa hàng phở truyền thống
trên phố Bát Đàn



Sau khoảng 4 lần ăn ở quán này tôi rút ra được vài kinh nghiệm. Nếu vào ngày thường, quán đông khách vào khoảng từ 7 giờ tới 8 giờ 30 phút vì lúc đó nhiều người tới ăn để kịp giờ làm. Sau giờ đó, bạn có thể thoải mái ngồi bạn, gọi món.

Vào thứ 7 và chủ nhật thì giờ đông khách lại rơi từ khoảng 8 giờ đến 10 giờ sáng. Người Hà Nội cứ nghỉ là hay dậy muộn, nên bạn có thể… đi sớm hơn để tránh xếp hàng dài chờ tới lượt.

Hoặc đơn giản hơn, sang quán cà phê ngay bên cạnh, làm tách cà phê hoặc cốc sinh tố mát lạnh, nhân viên quán sẽ giúp bạn đi "chạy" phở về cho bạn ăn với giá chênh lệch chỉ là 5.000 đồng/tô.