Vụ án Ly hôn:
Chị H. (quận Ba Đình, Hà Nội) lấy chồng và làm thủ tục kết hôn ở Tây Nguyên rồi ra Hà Nội lập nghiệp. Chăm chỉ làm ăn, vợ chồng chị trở nên khấm khá, mua nhà, lập xưởng sản xuất. Nhưng lúc này, chồng chị bắt đầu phải lòng một phụ nữ khác…
Mất cả chồng lẫn của
Năm 2008, khuyên nhủ chồng không được, chị H. đồng ý ra tòa ly hôn. Phần tài sản chung gồm hai căn nhà khi đó không ra tòa chia mà mỗi người ở một căn. Chị H nuôi con nhỏ và tiếp tục công việc kinh doanh. Tuy nhiên, người chồng sau một năm sống với cô vợ trẻ thì ly dị.
Tình nghĩa vợ chồng vẫn còn và vì thương con nên chị H. đồng ý quay về sống chung với chồng cũ. Điều dại dột là chị không yêu cầu chồng làm giấy đăng ký kết hôn lại. Từ chuyện hợp thức hóa đến chuyện sửa sang hai căn nhà đều do chị H. lấy tiền riêng đưa chồng lo liệu. Chồng muốn làm ăn riêng, chị cũng gom góp đưa vốn cho chồng.
Nhưng rồi chị phát hiện chồng lén lút chung sống với phụ nữ khác và đã có cả con riêng. Đã vậy, anh chồng còn lên tiếng đòi chiếm luôn cái xưởng sản xuất tuy đứng tên anh nhưng phần lớn là vốn liếng của chị. Đến nước này thì chị H. đành tiễn chồng và tiễn cả số tài sản đáng kể của mình theo chồng.
Lúng túng khi đôi ngả chia ly
Giận người chồng phụ bạc, chị H. muốn khởi kiện ra tòa để phân chia rạch ròi. Tuy nhiên, quan hệ của chị và chồng đã không được pháp luật công nhận vì không có giấy kết hôn khi cưới lại. Do vậy, nếu muốn phân chia (thật ra là đòi lại tài sản) thì chị phải chứng minh được công sức đóng góp của mình trong quá trình tạo lập số tài sản đó.
Chị H băn khoăn, lo lắng bởi hồi tình cảm vợ chồng còn mặn nồng, khi chi tiêu hay đưa tiền cho chồng kinh doanh chị đâu nghĩ tới cảnh có ngày chia tay để ghi lại. Bởi vậy tới giờ chị cũng đành ngậm bồ hòn vì không biết tìm chứng cứ ở đâu.
Giấy kết hôn là bùa hộ thân
Theo qui định của pháp luật, từ sau ngày 1-1-2001 (thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực), hai người chung sống với nhau nếu không có giấy chứng nhận kết hôn thì pháp luật sẽ không công nhận là vợ chồng.
Trong trường hợp này, tòa sẽ không chia đôi tài sản mà tùy theo công sức đóng góp của mỗi người trong quá trình sống chung. Ai nói số tài sản đó là của mình thì phải tập hợp chứng cứ như giấy tờ, hóa đơn để chứng minh. Nhưng việc chứng minh này rất khó khăn vì lúc còn hạnh phúc, có mấy ai lại ghi chép cụ thể chuyện chi tiêu trong nhà.
Ngoài chuyện chia tài sản, sẽ rất tội cho những đứa trẻ sinh ra khi bố mẹ chúng không đăng ký kết hôn rồi chia tay mà người cha lại không thừa nhận. Khi đó, trong giấy khai sinh, đứa con chỉ được mang họ mẹ. Nếu muốn con mang họ cha, người mẹ phải kiện yêu cầu truy nhận cha cho con. Tòa sẽ xác minh bằng nhiều cách, trong đó có xét nghiệm DNA. Việc đó không chỉ mất thời gian, phức tạp mà còn gây tâm lý nặng nề, buồn phiền cho người mẹ.
Theo chúng tôi: “Tình cảm dù có mặn nồng đến mấy cũng nhớ đăng ký kết hôn. Đừng nghĩ đó chỉ là chuyện thủ tục mà còn là bảo chứng cho tình cảm nồng thắm, nghiêm túc”.
“Qua thực tế tư vấn, chúng tôi gặp không ít cặp cưới nhau nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn vì nhiều nguyên nhân. Có người không làm thủ tục vì chưa hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhưng chủ yếu một phần cũng do phong tục tập quán. Có trường hợp trả lời chúng tôi lý do vì sao không đăng ký kết hôn thì được biết: “họ cứ tưởng tổ chức tiệc cưới rất to, hai bên gia đình bạn bè gần xa chứng giám thì đương nhiên là vợ chồng”!!!
Cũng có trường hợp cho rằng việc này không quan trọng, chỉ đề cao tình cảm đôi bên khi về sống với nhau. Hoặc có người biết luật nhưng chưa thật sự muốn gắn bó suốt đời với người cùng chung sống nên chần chừ chưa đăng ký. Khi họ hạnh phúc thì sẽ không sao nhưng khi xảy ra mâu thuẫn, sự thiệt thòi thường nghiêng về phía phụ nữ”
Luật sư: Lê Huy Quang – Giám đốc công ty luật hợp danh Danzko Đoàn Luật sư Hà Nội
Mobi: 0912519823/ 0904230023. Tel: 04.37931223/ 37931224. www.tuvanphapluat.mobi. Mail: tuvanphapluat.mobi@gmai.com